2024 – Sơn dầu trên vải lanh – 90cm x 60cm
Available
Tớ phải chở tới khi dư âm của cơn bão lũ tạm lắng mới đăng tác phẩm này. Bức tranh được hoàn thiện trong những ngày bão gió, nhưng không phải để minh hoạ cho cho lụt lội. Tranh được khởi vẽ từ lâu trước đó và nói về hoàn cảnh xã hội mà các bạn trẻ ngày nay phải lội vào. Gần đây, tớ vô tình đọc được một bài viết của nhà báo
Đinh Đức Hoàng và thấy một sự đồng cảm lớn. Tuy không hoàn toàn trùng khớp, nhưng khi các bạn đọc bài viết đó, các bạn cũng sẽ phần nào hiểu bức tranh này. Xin trích:
“…các thế hệ đi trước luôn có xu hướng phàn nàn về thế hệ sau. Không phải 8x thì thấy 9x bạc nhược còn 9x thì thấy Gen Z yếu đuối đâu, chuyện nó đã diễn ra nhiều thế kỷ rồi. Và cho đến gần đây tôi vẫn còn nghĩ về mấy đứa em như thế. Nhưng giờ thì tôi thấy không đúng lắm. Hình như các bạn đang phải đối mặt với nhiều thử thách hơn những gì mình đã trải qua. Và cần nhiều bản lĩnh hơn để tồn tại.
Năm xưa, tôi hình như đã may mắn vì trong căn gác trọ ấy, chỉ có một cái điện thoại vỏ sò để tự hát cho chính mình nghe. Để buồn, và khao khát thoát khỏi nơi này. Bây giờ, tôi nhìn thấy cả một thị trường khổng lồ buôn bán những sự xoa dịu. Người ta buôn bán sự xoa dịu như buôn thứ ma túy họ vốn thèm nhưng không được pháp luật cho kinh doanh.
Thị trường hàng hóa tiêu dùng, vốn đã buôn bán sự xoa dịu nửa thế kỷ này, nhờ ơn khai phóng của các nhãn thời trang nhanh, giờ biến nó thành một kỹ nghệ. Người ta tham gia hoạt động mua sắm, những thứ rẻ, tạo rác cho hành tinh, không phải để thực sự sử dụng, mà để trải nghiệm cảm giác mua sắm. Nó gần như trở thành hoạt động kinh tế tối thiểu, để khẳng định sự tồn tại của nhiều người (và trốn chạy cảm giác chưa mua được những thứ thực sự cải thiện chất lượng sống). Các nhà bán hàng thiết kế cả một lộ trình an ủi tâm trạng khách hàng thông qua việc sở hữu các thứ vớ vẩn hợp mốt.
Thị trường nội dung, vốn buôn bán sự xoa dịu kể từ khi ra đời, giờ không còn muốn kinh doanh thứ gì khác nữa. Các “nhà” sáng tạo nội dung sale cho chúng ta cảm giác được thuộc về một cộng đồng lớn hơn. Rất giàu tính an ủi, và dễ gây nghiện…”