Bộ Tranh Ghế Nhựa lưu lại hình ảnh có thể coi là điển hình của đường phố Hà Nội một thời.
Trước chính sách Đổi Mới (1986), đường phố Hà Nội có một diện mạo khác. Chế độ bao cấp không cho phép người ta kinh doanh cá nhân. Cán bộ, công nhân đi làm với chiếc cặp lồng cơm toòng teng trước ghi-đông xe đạp. Sau chính sách Đổi Mới, mọi người được mở các hình thức kinh doanh cá thể như những cửa hàng ăn, cơm bình dân và nhiều dịch vụ khác. Các quán ăn tràn ra hè phố, chiếc lồng cơm nhanh chóng biến mất và ghế nhựa của các hàng quán mọc lên như nấm sau mưa. Người dân hẹn hò vui vẻ, ăn uống nhậu nhẹt trên những bộ bàn ghế nhựa. Chuyện gặp gỡ đối tác và ký hợp đồng nhiều khi cũng diễn ra trên những bộ bàn ghế nhựa đó. Ghế nhựa rẻ, tiện dụng, dễ bày ra để lấn chiếm lòng đường, dễ thu lại để trốn đội công an hay dân phòng chống lấn chiếm vỉa hè. Giai đoạn “hưng thịnh” của ghế nhựa kéo dài khoảng hai thập kỷ sau Đổi Mới. Khi nền kinh tế và tiêu chuẩn sống dần tốt hơn, các quán xá có điều hòa, bàn ghế kiểu cách đắt tiền hơn thay thế dần ghế nhựa.
Ghế nhựa, vì thế, còn là một biểu tượng phản ánh nền kinh tế của một thời. Từ quan điểm này,, họa sĩ Phạm Huy Thông vẽ bộ tranh ghế nhựa với cảm xúc của tranh bám theo trạng thái kinh tế của mỗi năm. Tranh ghế nhựa 2007 đôi khi có nền nhũ vàng và tạo hình khỏe khoắn. Đó là năm mọi người rất tự tin vào nền kinh tế, ai ai cũng nói chuyện đầu tư này nọ. Tranh ghế nhựa 2009 thường được vẽ trong bối cảnh mưa, nền tối và đôi khi ghế nhựa nổi lềnh phềnh trong nước lụt. Đó là năm mà bong bóng chứng khoán ở Việt Nam vỡ bục, người ta ngồi trên ghế nhựa ngoài hàng quán và kể lể than khóc xem mình mất bao nhiêu tiền hôm nay.
Bộ tranh Ghế Nhựa tuy chỉ vẽ ghế, nhưng chúng ta có thể thấy trên đó bóng dáng của những người ngồi. Những chiếc ghế như trong một cuộc đối thoại vô tận, bàn chuyện nhân tình thế thái.